Phụ Lục
1. Mực Nước Biển Dâng Cao và Những Ảnh Hưởng Toàn Cầu
Mực nước biển dâng cao không chỉ là nỗi lo của riêng những quốc đảo nhỏ. Có hơn 70% dân số thế giới sống dọc theo các đồng bằng ven biển và 11 trong tổng số 15 thành phố lớn nhất trên thế giới thuộc khu vực cửa sông ven biển. Trong thế kỷ 20, mực nước biển đã dâng lên từ 10 đến 20 cm (4-8 inch).
Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) dự đoán rằng trong thế kỷ 21, mực nước biển sẽ dâng cao từ 9 đến 88 cm. Mức dâng cao khiêm tốn theo ước tính này cũng đủ để gây nên sự tàn phá thảm khốc. Lụt lội vùng ven biển cùng những thiệt hại do bão, xói mòn bờ biển, nhiễm mặn nguồn nước ngọt, lũ lụt ở các khu vực đầm lầy ven biển, cũng như ở các cồn nổi và sự gia tăng ngập mặn ở các cửa sông đều là hậu quả của mực nước biển dâng, dù chỉ ở mức độ thấp.
Một khả năng nguy hiểm có thể xảy ra là sự tan chảy của lớp băng đá ở Greenland. Theo IPCC: “Các mô hình dự đoán khí hậu cho thấy mức tăng nhiệt độ trong khu vực đảo Greenland có thể cao hơn từ một đến ba lần mức tăng trung bình toàn cầu. Các mô hình dự đoán sự biến động của lớp băng đá cho thấy nếu nhiệt độ khu vực này tăng thêm 3°C (5,4°F) và kéo dài suốt hàng thiên niên kỷ thì lớp băng đá ở Greenland chắc chắn sẽ tan chảy hoàn toàn, dẫn đến hậu quả là mực nước biển dâng lên khoảng 7 mét.” (Đánh giá lần thứ 3 của IPCC, Báo cáo tổng hợp, Tổng kết cho các nhà hoạch định chính sách.)
Với nguy cơ tan chảy của hai lớp băng đá ở Greenland và Tây Nam cực, thế giới có thể sẽ phải đối diện với tình trạng mực nước biển dâng lên tới 13 mét (43 bộ Anh), nếu chúng ta không kiểm soát nhanh chóng lượng khí thải nhà kính. Dù chỉ một phần nhỏ của mức tăng này cũng có thể gây thiệt hại lớn về sinh mạng và tài sản. Sau đây là những hậu quả có thể xảy ra, khi mực nước biển dâng cao:
• Tiêu tốn hàng tỷ đô la Mỹ để khắc phục – nếu quý vị có khả năng chi trả. Một nghiên cứu gần đây ước tính phí tổn cho việc khắc phục, khi mực nước biển dâng lên dù chỉ 1 mét ở Hoa Kỳ sẽ là 156 tỷ đô la Mỹ (3% tổng sản phẩm quốc dân).
• Với mực nước biển dâng cao dù chỉ một mét, một số quốc đảo, như Maldives, sẽ bị nhấn chìm. Đã có hai trong số những hải đảo thuộc Kiribati (một quốc đảo ở Thái Bình Dương) đã bị nhấn chìm dưới những lớp sóng bạc. Nếu tình trạng hâm nóng vẫn tiếp diễn theo xu hướng hiện nay, các thành phố như Luân Đôn, Bangkok, New York sẽ bị nhấn chìm dưới mực nước biển, khiến hàng triệu người phải di tản và gây thiệt hại to lớn về kinh tế.
• Nước biển dâng cao sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngọt cả trên bề mặt lẫn các mạch nước ngầm, khiến tình trạng khan hiếm nước ngọt trên thế giới ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
• Dân cư vùng nông thôn và đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa) tại một số vùng ven biển sẽ bị xóa sổ.
(Nguồn: http://www.greenpeace.org/international/campaigns/climate-change/impacts/sea_level_rise/)
2. Thêm Nhiều Sông Băng Trên Toàn Cầu Bị Suy Giảm
• Khối băng tuyết ở dãy Sierra Nevada, Hoa Kỳ, nơi cung cấp nước tưới tiêu cho vùng thung lũng của trung tâm California, đồng thời là vựa rau và trái cây của thế giới, đã tan chảy sớm hơn vào mùa xuân, dự kiến sẽ suy giảm khoảng 30%-70% vào cuối thế kỷ này. (Nguồn: Bộ Chương trình Tiện ích về Biến đổi Khí hậu ở Sierra, ấn bản lần thứ 2, Khối Liên minh Sierra Nevada, http://www.sierranevadaalliance.org/programs/db/
pics/1133215435_14399.f_pdf.pdf)
• Những vùng băng tuyết trên ngọn núi Kilimanjaro cao nhất châu Phi đã bị thu hẹp gần 80% trong thế kỷ qua, với mức giảm 33% chỉ từ năm 1989 đến năm 2000. (Nguồn: “Những ghi chép về lớp băng đá ở Kilimanjaro: Bằng chứng của nạn biến đổi khí hậu vào kỷ nguyên Holocene ở vùng nhiệt đới châu Phi”, Thompson LG, Mosley-Thompson E, Davis ME, Henderson KA, Brecher HH, Zagorodnov VS, Mashiotta TA, Lin PN, Mikhalenko VN, Hardy DR, Beer J. 2002, Science, số 298: trang 589–593, http://bprc.osu.edu/Icecore/589.pdf)
• Hâm nóng toàn cầu làm cho các dòng sông băng ở Trung Quốc bị thu hẹp khoảng 7% mỗi năm, điều này có thể gây ra những ảnh hưởng tàn khốc cho 300 triệu người hiện đang sống phụ thuộc vào nguồn nước từ các dòng sông băng này. (Nguồn: “Nóc nhà băng đá của thế giới đang biến thành hoang mạc”, Geoffrey Lean, ngày 8 tháng 5 năm 2006, The Independent, http://www.countercurrents.org/cc-lean080506.htm)
• Từ thập niên 1930, các lưu vực sông băng thuộc dãy núi miền Trung Á đã bị thu hẹp 35%-50% và hàng trăm sông băng nhỏ đã biến mất. (Nguồn: “Những đám mây nâu trong khí quyển: Báo cáo đánh giá khu vực châu Á năm 2008 của UNEP”, http://www.unep.org/pdf/ABCSummaryFinal.pdf)
3. Những Tình Trạng Thời Tiết Khắc Nghiệt Trên Toàn Cầu
Năm 2010 được ghi nhận là năm nóng nhất từ trước đến nay:
Theo các nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu tại Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), năm 2010 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử.
Nhiệt độ tháng 7 được ghi nhận là đạt mức cao thứ nhì trong lịch sử, còn tháng 3, tháng 4, tháng 5 và tháng 6 là những tháng đạt kỷ lục nóng nhất.
Tháng 6 năm 2010, David Easterling, thuộc Trung tâm Dữ liệu Khí hậu Quốc gia của NOAA, cũng đã ghi nhận phát hiện bất thường của ông rằng đất đai trên khắp toàn cầu đã ấm lên.
Hơn nữa, 17 quốc gia, chiếm 19% tổng diện tích lục địa của Địa Cầu và bao gồm cả những quốc gia phía Bắc như Phần Lan, Nga, đã lập kỷ lục mới về mức độ nóng nhất.
Đây là khu vực bề mặt rộng lớn nhất trên Địa Cầu đã phải trải qua nhiệt độ cao kỷ lục như vậy trong cùng một năm. Từ những con số báo động này, Tiến sĩ Mark Serreze, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết: “Điểm mấu chốt của vấn đề là tình trạng hâm nóng toàn cầu vẫn chưa dừng lại.”
Kevin Trenberth, trưởng ban phân tích khí hậu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NCAR), đã cảnh báo thêm rằng trong những điều kiện như vậy, chúng ta nên đề phòng sự gia tăng của những cơn bão nhiệt đới. Ông nói: “Lần gần đây nhất thời tiết nóng như vậy là khi chúng ta hứng chịu mùa bão phá kỷ lục dẫn đến hai cơn bão Katrina và Rita; bão nhiều đến mức chúng ta không còn ký tự (trong bảng chữ cái) để đặt tên. Nhiệt độ ở Đại Tây Dương năm nay cao hơn năm 2005.”
(Nguồn: http://solveclimate.com/blog/20100816/most-ever¬heat-record-temperatures-19-percent-earths-surface)
Nga:
Năm 2010, chỉ trong tháng 7, thời tiết nóng cực độ ở Nga đã khiến 14.340 người tại Moscow thiệt mạng. Sức nóng cũng gây ra những tình trạng hạn hán trầm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua ở phần lãnh thổ thuộc châu Âu của nước Nga, buộc chính quyền Nga phải tạm ngưng xuất khẩu lúa mì. Hầu hết phần lãnh thổ này phải đối mặt với nguy cơ xảy ra hỏa hoạn rất lớn.
(Nguồn: http://climateprogress.org/2010/08/07/russian¬heat-wave-drought-soil-moisture-wheat)
Hoa Kỳ:
Đầu năm 2010, bang Florida gặp phải tình trạng băng tuyết khắc nghiệt. Sau đó lại phải đối mặt với mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận trong vùng.
Úc:
Từ tháng 5 đến tháng 10, miền Bắc nước Úc trở nên ẩm ướt nhất từ trước tới nay, trong khi khu vực phía Tây Nam lại được ghi nhận là khô hạn nhất.
Nam Mỹ:
Tình trạng khô hạn khiến mực nước ở nhiều khu vực sông Amazon suy giảm tới mức thấp nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
(Nguồn: http://seattletimes.nwsource.com/html/businesstechnology/2013716921
_apyescidisastrousyear.html)
4. Các Thảm Họa Cháy Rừng Nghiêm Trọng
Úc
Miền Đông nước Úc đã phải chống chọi với nạn cháy rừng và lũ lụt nhiều hơn, trong khi miền Nam phải đối mặt với cái nóng khắc nghiệt và miền Bắc phải hứng chịu những trận mưa lớn với nguy cơ nước lũ dâng cao. Một đợt nóng có một không hai của thế kỷ đã được dự báo là sẽ gia tăng cường độ trong suốt những ngày cuối tuần, với nhiệt độ cao và gió hanh, gây ra những trận cháy rừng thảm khốc nhất trong suốt 25 năm qua.
(Nguồn: http://www.google.com/hostednews/afp/article/
ALeqM5gyUztdckUqzd_SFg9jClfRmHlWEg)
Nga
Tháng 8 năm 2010, nạn cháy rừng và nổ than bùn ở Nga đã vượt ngoài tầm kiểm soát, tiếp tục hoành hành trên một phần rộng lớn lãnh thổ châu Âu của nước Nga. Bảy khu vực trong nước đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tổng cộng có 520 vụ cháy rừng đã bùng phát trên khắp nước Nga với tổng diện tích lên đến 188.525 hecta (465.000 mẫu Anh). Gần 650.000 hecta rừng đã bị thiêu rụi.
(Nguồn: http://online.wsj.com/article/SB1000142405274
8704017904575408833952872038.html)
5. Các Thảm Họa Lũ Lụt Nghiêm Trọng Trên Toàn Cầu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong tháng 9 năm 2010, chỉ riêng lũ lụt đã làm thiệt mạng hơn 6.300 người ở 59 quốc gia.
Theo Tập đoàn Dịch vụ Tái bảo hiểm và Tài chính Thụy Sĩ (Swiss Re), tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2010, đã có gần 260.000 người bị thiệt mạng vì các thảm họa thiên nhiên xảy ra trong năm.
(Nguồn: http://seattletimes.nwsource.com/html/businesstechnology/
2013716921_apyescidisastrousyear.html)
Trung Quốc
Trong năm 2010, nhiều vùng rộng lớn của Trung Quốc đã phải hứng chịu những đợt mưa mùa hè, gây ra những trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong thập niên qua, dẫn tới vô số vụ sạt lở đất thảm khốc và làm cho mực nước ở nhiều con sông lớn dâng lên đến mức nguy hiểm. 1,4 triệu ngôi nhà đã bị lũ lụt tàn phá, gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế lên đến 275 tỷ Nhân dân tệ (41 tỷ đô la Mỹ).
Miền Đông Bắc Trung Quốc là khu vực bị tàn phá nặng nề nhất, toàn bộ các thị trấn đều bị ngập lụt, và mực nước ở các con sông tiếp giáp Bắc Hàn Quốc đã dâng lên đến mức báo động, gây lo ngại về tình trạng ngập úng ở cả hai quốc gia.
(Nguồn: http://www.google.com/hostednews/afp/article/
ALeqM5juX85JVgP2tsnqUSZxNgLuXejxDw)
Pakistan
Những cơn mưa lớn do ảnh hưởng của gió mùa kéo theo các trận lụt ở Pakistan vào tháng 7 năm 2010. Hơn 2.000 người đã thiệt mạng và trên một triệu ngôi nhà bị phá hủy. Ước tính có 20 triệu người bị thương hoặc mất nhà cửa.
(Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/2010_Pakistan_floods)
Úc
Tháng 1 năm 2011, Queensland, Úc đã hứng chịu một cơn lũ khổng lồ, được mô tả như một thảm họa ở “mức Thánh Kinh”. Hơn 20 thành phố đã bị tàn phá khi cơn lũ quét ngang qua một vùng rộng lớn hơn cả nước Pháp và Đức. Cơn khủng hoảng tiếp tục bùng nổ với mùa xuân ẩm ướt nhất từng được ghi nhận ở Úc. Ít nhất sáu hệ thống sông ngòi chảy qua Queensland đã phá vỡ các bờ đê của thành phố. Cơn lũ ảnh hưởng đến 200.000 người và khiến nhiều người phải di tản. Chi phí khôi phục thiệt hại lên đến hàng tỷ đô la Úc.
(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/news/world-asia-pacific-12102126)
6. Các Thảm Họa Động Đất Nghiêm Trọng Trên Toàn Cầu
Trung Quốc
• Một trận động đất 8 độ Richter vào tháng 5 năm 2008 ở tỉnh Tứ Xuyên đã tàn phá một vùng rộng lớn thuộc miền Tây Nam Trung Quốc, khiến ít nhất 87.000 người bị thiệt mạng hay mất tích.
• Tháng 8 năm 2009, một trận động đất 6,2 độ Richter đã làm thành phố Golmud rung chuyển, gây sạt lở đất và làm khoảng 30 ngôi nhà bị sập đổ.
• Vào tháng 4 năm 2010, ở miền Tây Trung Quốc, một trận động đất 6,9 độ Richter đã làm ít nhất 589 người bị thiệt mạng và hơn 10.000 người bị thương.
(Nguồn: http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/china/
7588401/China-earthquake-kills-hundreds.html)
Băng đảo và các quốc gia khác
Núi lửa phun trào đã khiến đường hàng không châu Âu bị tê liệt trong nhiều ngày, làm đình trệ hành trình của hơn bảy triệu người. Những vụ phun trào núi lửa khác ở Congo, Guatemala, Ecuador, Philippines và Indonesia đã khiến dân chúng phải tháo chạy tìm nơi trú ẩn. Đó là tai họa xảy ra sau trận lũ lụt, sạt lở đất và động đất đã làm hàng trăm người thiệt mạng vào đầu năm 2010.
Indonesia
Vào tháng 10, chỉ trong vòng 24 giờ mà Indonesia đã phải hứng chịu liên tiếp ba thảm họa của trận khủng hoảng lục địa: một cơn động đất có cường độ khốc liệt 7,7 độ Richter, một trận sóng thần đã lấy đi sinh mạng của hơn 500 người và một trận phun trào núi lửa đã khiến hơn 390.000 người phải di tản.
(Nguồn: http://seattletimes.nwsource.com/html/businesstechnology/
2013716921_apyescidisastrousyear.html)
Khắp thế giới
Đầu tháng 1 năm 2010, ba trận động đất mạnh đã làm quần đảo Solomon rung chuyển, chỉ vài tuần sau đó một trận động đất 7 độ Richter đã san bằng một phần của đảo Haiti, khiến hơn 1 triệu người mất nhà cửa, trên 230.000 người bị thiệt mạng và 300.000 người bị thương. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng bị rung chuyển. Sau đó Chi-lê phải hứng chịu trận động đất 8,8 độ Richter, một trong những trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận. Nhiều cơn dư chấn xảy ra tiếp theo tại Nhật Bản, Mexico, Sumatra và gần đây nhất là ở miền Tây Trung Quốc. Vào tháng 4 năm 2010, tổng số người thiệt mạng do những trận thiên tai này lên đến khoảng 250.000 người.
(Nguồn: http://www.businessweek.com/news/2010-04-15/killer-quakes-on-rise-with-cities-on-fault-lines¬roger-bilham.html)
7. Nạn Thiếu Lương Thực Trên Thế Giới
Thời tiết bất thường đe dọa sự ổn định của nguồn cung cấp lương thực:
Vào thứ ba, ngày 7 tháng 9 năm 2010, Viện Quản lý Nước Quốc tế có trụ sở tại Sri Lanka (IWMI) đã đưa ra một bản báo cáo trước cuộc họp quốc tế của các nhà khoa học tại Tuần lễ Nước Thế giới, tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển. Với lời cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều cơn mưa bất thường hơn, bản báo cáo nhấn mạnh rằng những cơn mưa thất thường, cũng như lượng mưa hay thay đổi gây ra những ảnh hưởng ngày càng rõ rệt đến an toàn thực phẩm và sự tăng trưởng kinh tế.
Điều này một phần là vì trên thực tế, gần 66% vụ mùa ở châu Á phụ thuộc vào nước mưa, thay vì chủ động dẫn nước tưới tiêu, trong khi ở châu Phi thì toàn bộ 94% vụ mùa đều phụ thuộc vào nước mưa. Đề cập đến những ví dụ gần đây về điều kiện thời tiết khô hạn, khắc nghiệt dẫn đến nhiều vụ cháy rừng tàn khốc ở Nga vào mùa hè năm 2010 và những trận lụt thảm khốc ở Pakistan, ngài Sunita Narain, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường của Ấn Độ (CSE), phát biểu: “Chúng ta đang tiến đến thời điểm có nhiều nước hơn, nhiều mưa hơn, nhưng lượng mưa cũng biến động nhiều hơn, chính vì thế mà hạn hán và lũ lụt xảy ra liên tiếp.”
(Nguồn: http://www.france24.com/en/20100907-erratic¬global-weather-threatens-food-security)
8. Hâm Nóng Toàn Cầu: Hướng Dẫn Theo Từng Nấc Tăng Nhiệt Độ
Nếu tình trạng hâm nóng toàn cầu tiếp tục diễn biến như tốc độ hiện nay, chúng ta có thể sẽ phải đối diện với sự tuyệt chủng. Vậy chính xác điều gì sẽ xảy ra khi Địa Cầu nóng lên? Sau đây là hướng dẫn theo từng nấc tăng nhiệt độ, trích từ bài viết “Sáu độ: Tương lai của chúng ta trên một Địa Cầu nóng hơn” của Mark Lynas, đăng trong National Geographic, ngày 22 tháng 1 năm 2008 (Lynus, M, 2007).
Tăng 1ºC
Biển không còn băng sẽ hấp thụ nhiều nhiệt hơn, do đó đẩy nhanh tiến trình hâm nóng toàn cầu; một phần ba bề mặt Trái Đất sẽ không còn nước ngọt; các bờ biển thấp sẽ bị ngập lụt.
Cơ hội để tránh tăng 1 độ hâm nóng toàn cầu là không có.
Tăng 2ºC
Người dân châu Âu chết vì say nắng; rừng bị thiêu cháy; do áp lực của sức nóng, cây cối bắt đầu thải ra thay vì hấp thụ khí cacbonic; một phần ba chủng loại sinh vật đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.
Cơ hội để tránh tăng 2 độ hâm nóng toàn cầu là 93%, nhưng chỉ với điều kiện chúng ta cắt giảm được 60% khí thải nhà kính trong vòng 10 năm tới.
Tăng 3ºC
Khí cacbonic thải ra từ thực vật và các loại đất đẩy nhanh tiến trình hâm nóng toàn cầu; rừng mưa Amazon không còn sự sống; những cơn bão cường độ mạnh sẽ tấn công những thành phố ven biển; nạn đói lan tràn khắp châu Phi.
Cơ hội để tránh tăng 3 độ hâm nóng toàn cầu là rất mong manh, nếu nhiệt độ đã tăng 2 độ, làm bùng phát chu trình phản hồi cacbon từ các loại đất và cây trồng.
Tăng 4ºC
Sự tan chảy nhanh chóng của lớp băng vĩnh cửu khiến tình trạng hâm nóng toàn cầu không thể dừng lại; nhiều vùng của nước Anh trở thành nơi không thể sinh sống do lũ lụt nghiêm trọng; vùng Địa Trung Hải sẽ bị bỏ hoang.
Cơ hội để tránh tăng 4 độ hâm nóng toàn cầu là rất mong manh, nếu nhiệt độ đã tăng 3 độ và lớp băng vĩnh cửu bị kích thích tan chảy vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tăng 5ºC
Khí mêtan thoát ra từ đáy đại dương làm gia tăng tình trạng hâm nóng toàn cầu; băng tan ở cả hai địa cực; loài người sẽ phải di trú để tìm lương thực và cố gắng sống trong vô vọng, giống như các loài thú sống xa đất liền.
Cơ hội để tránh tăng 5 độ hâm nóng toàn cầu là rất mong manh, nếu nhiệt độ đã tăng 4 độ và khí mêtan bị nén giữ dưới đáy đại dương được giải phóng.
Tăng 6ºC
Sự sống trên Địa Cầu kết thúc bởi những cơn bão hủy diệt, những trận lụt chớp nhoáng; khí hyđro sunfua và các quả cầu lửa mêtan di chuyển khắp toàn cầu với sức tàn phá của bom nguyên tử; chỉ loài nấm là còn khả năng sống sót.
Cơ hội để tránh tăng 6 độ hâm nóng toàn cầu là hoàn toàn không có, nếu nhiệt độ đã tăng quá 5 độ, khi đó tất cả những tác động phản hồi sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát.
9. Ô Nhiễm Từ Chất Thải Chăn Nuôi
Hoa Kỳ
• Khoảng 13% các giếng nước ngọt nội địa ở miền Trung Tây bị nhiễm nitrat với nồng độ nguy hiểm. Những chất nitrat này có nguồn gốc từ phân gia súc và phân bón hóa học bị tràn ra hay rò rỉ từ các hồ chứa.
• Năm 2001, Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) đã buộc 5 trại nuôi heo phải cung cấp nước đóng chai cho người dân địa phương, vì những hoạt động của nông trại đã làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của địa phương này.
• Một nghiên cứu vào năm 1997 cho thấy 82% hoạt động chăn nuôi gia súc đã sản sinh ra lượng khí nitơ vượt quá khả năng hấp thụ của đất và 64% hoạt động chăn nuôi thải ra lượng phốtpho vượt mức cho phép.
• Một báo cáo gần đây của Quỹ tài trợ Vịnh Chesapeake xác định rằng phân gà là chất gây ô nhiễm chủ yếu trong vịnh này.
(Nguồn: http://www.hsus.org/farm/resources/pubs/gve/
for_the_environment.html)
10. Phẩm Chất Cao Thượng (NQ) Của Loài Vật và Con Người
“Qua thiền định, tôi đã thấy được rằng Phẩm chất Cao thượng (NQ) của những loài khác nhau có thể tính được bằng tỷ lệ phần trăm. Điều này chứng tỏ loài vật là hiện thân của phẩm chất tình thương và tâm vô vị kỷ.
Ví dụ chó và heo, mỗi loài có chỉ số NQ ấn tượng là 30%. Bò có NQ là 40%. Ngược lại những loài thú có xu hướng bạo lực hoặc ăn thịt nhiều hơn, thì có NQ thấp hơn. Ví dụ sư tử có NQ là 3% và cọp là 4%.
Và đối với con người, trong khi một số chúng ta – quý vị biết đấy, đây là phân tích tổng quát – một vài người trong số chúng ta có chỉ số NQ là 10%, và cũng nhiều người trong số chúng ta chỉ có 3% Phẩm chất Cao thượng. Con người chúng ta có thể học từ những ví dụ về Phẩm chất Cao thượng này của các bạn thú đồng cư.” — Thanh Hải Vô Thượng Sư
Phẩm Chất Tình Thương (LQ) Của Loài Vật và Con Người
“Đây là phẩm chất tình thương, vô điều kiện, vượt trên cả tình phu thê, tình mẫu tử, đó là tình thương mà chúng ta dành cho tất cả mọi chúng sinh. Chúng ta sẵn sàng hy sinh và giúp đỡ, cho dù đó là ân nhân, người lạ hay kẻ thù.” —Thanh Hải Vô Thượng Sư
Dưới đây là chỉ số Phẩm chất Tình thương (LQ) của một số loài đại diện và của con người mà Thanh Hải Vô Thượng Sư đã chia sẻ từ hiểu biết tâm linh uyên thâm của Ngài:
• Thú nuôi trong nhà: 80% đến 300%
Chó 110% Heo 120% Gà 90% Trâu 110% Ngựa 180%
• Các loài hoang dã: 20% đến 300%
Khỉ hoang 100% Gấu 110% Voi 100% Cá voi 300% Bò 300% Cá heo 110 Cọp 20% Sư tử 21%
• Con người: Trung bình là 20%
Chỉ số cao nhất trên Địa Cầu: 90%
Chỉ số thấp nhất trên Địa Cầu: 5%
• Các bậc Thánh nhân hoặc nhà hiền triết: Hàng nghìn phần trăm và họ không phải là người phàm!
“Cả NQ và LQ đều quan trọng, trong khi IQ có thể quan trọng, có thể không! Chúng ta nên trau giồi LQ. Nhân loại nên suy ngẫm lại về cách chúng ta sử dụng thời gian quý báu (ngắn ngủi) của mình trên Địa Cầu này.” — Thanh Hải Vô Thượng Sư